Trong vai chủ nhân của mẫu ôtô cá nhân đang dính lỗi phạt nguội và thay đổi màu sơn, Zing liên hệ với người làm giả giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (hay còn gọi là giấy đăng kiểm) trên chợ mạng và nhanh chóng nhận được báo giá.
“Chỉ cần 3 triệu đồng, chủ xe sẽ có cả tem và giấy đăng kiểm”, anh T., một đầu mối bán đăng kiểm giả trên mạng, cho hay.
Tràn lan trên mạng
Cụ thể, anh này khẳng định nếu cần làm giả tem đăng kiểm xe, mức giá sẽ là 1,5 triệu đồng, trọn gói bao gồm cả giấy đăng kiểm là 3 triệu đồng.
“Giá cả bộ là 3 triệu đồng. Mình nhận cọc mới chốt làm”, anh T. tiết lộ. Anh này cũng cho biết thêm sau khi chụp ảnh xe và đăng kiểm cũ chỉ cần đợi 3 ngày chủ phương tiện sẽ nhận được 2 tem và sổ đăng kiểm mới.
Trao đổi thêm với một tài khoản chuyên bán giấy tờ giả, Zing được báo giá cao hơn. “Trọn bộ tem đăng kiểm, tem đường bộ và giấy chứng nhận đăng kiểm là 4 triệu đồng. Nếu làm giấy đăng kiểm theo mẫu màu xanh mới thì giá cao hơn 500.000 đồng”, anh H. cho biết.
Tương tự anh T., anh H. cũng đề nghị thời gian chờ đợi là 3 ngày để nhận đủ tem và chứng nhận đăng kiểm mới.
Chỉ cần dạo quanh một vòng chợ mạng, dễ dàng tìm thấy thông tin về việc làm giả giấy tờ từ bằng lái, cà-vẹt xe và cả chứng nhận đăng kiểm. Thông tin liên hệ của người bán cũng được đăng công khai.
Tuy nhiên, số điện thoại dùng để liên hệ thường là SIM rác, chỉ dùng để trao đổi mua bán giấy tờ giả nên khi có người liên hệ, đối tượng sẽ chủ động “hỏi thăm” trước.
“Tôi tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội và nhận được lưu ý chỉ tư vấn qua tin nhắn. Vừa gửi yêu cầu kết bạn, đối phương đã chủ động hỏi tôi cần loại giấy tờ nào”, chị Uyên Nhã (TP.HCM), chủ chiếc Kia Morning Van, chia sẻ.
Chị Uyên cũng cho biết vì độ thêm hàng ghế sau nên chiếc xe của chị gặp khó khăn khi đăng kiểm, phải chuyển sang dùng giấy tờ giả.
Theo tìm hiểu, đa phần các đối tượng sẽ hạn chế giao dịch trực tiếp, chỉ thông qua mua bán trên các nền tảng mạng xã hội. Giấy đăng kiểm sau khi hoàn thành sẽ được giao tới khách hàng thông qua hình thức chuyển phát nhanh.
Người mua gặp nhiều rủi ro
Anh Đạt đang sở hữu một chiếc Toyota Corolla không qua được quá trình đăng kiểm do xe quá cũ, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Anh cũng nhận được nhiều lời chào mời làm trọn bộ với giá dao động 4-5 triệu đồng và quyết định chi tiền.
“Họ làm nhanh lắm, mình vừa ra khỏi trạm đăng kiểm đã có "cò mồi" tìm đến và sau khi nhận hình ảnh cùng đăng kiểm cũ, chưa tới 2 tiếng đã nhận được kết quả rồi. Tuy khá lo sợ bị phát hiện nhưng xe mình cũ quá rồi nên cũng đành chịu”, anh Đạt tiết lộ.
Tuy được các đối tượng quảng cáo là không thể bị phát hiện, nhiều tài xế khi sử dụng các loại đăng kiểm giả vẫn bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt.
“Tôi mua bộ đăng kiểm cũng hết 3,5 triệu đồng, người bán kêu là hàng chuẩn, bao đi vậy mà hôm bị phạt tốc độ, CSGT nhìn phát hiện ra ngay. Tem giả người bình thường nhìn không phát hiện ra chứ không qua mắt được người trong ngành đâu”, một tài xế xe tải giấu tên tiết lộ.
Với đăng kiểm giả được bán tràn lan, ngày càng có nhiều chủ phương tiện mạo hiểm sử dụng loại giấy tờ này để qua mặt cơ quan chức năng.
Điển hình vào ngày 30/8, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT - Công an TP Hà Nội) thông tin, đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ vụ việc ôtô nhãn hiệu Lexus RX350 mang biển kiểm soát TP.HCM giả trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong quá trình làm việc, ông N.T.H. xuất trình được một giấy đăng ký xe mang BKS 51F-182.XX, tên chủ sở hữu xe trùng với tên công ty ở TP.HCM và một sổ đăng kiểm xe.
Tuy nhiên, qua kiểm tra nhanh số khung, số máy của phương tiện không trùng với đăng ký, đăng kiểm của xe. Ông H. cũng cho biết thêm mua lại chiếc xe trên khoảng hơn một năm nay của một người bạn, ông H. không biết nguồn gốc xe.
Vi phạm Nghị định 100
Trao đổi với Zing, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, ôtô phải được cấp chứng nhận đăng ký, đăng kiểm mới được phép tham gia giao thông.
Chứng nhận đăng kiểm (bao gồm giấy chứng nhận, tem đăng kiểm) được cấp theo kỳ hạn, khi đến hạn, phương tiện phải được kiểm định tại trung tâm đăng kiểm, trường hợp đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được cấp tiếp chứng nhận đăng kiểm.
Cũng theo luật sư Bình, Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục đăng kiểm) khẳng định Giấy chứng nhận đăng kiểm, tem đăng kiểm là hai thành phần không tách rời của chứng nhận đăng kiểm xe. Tem đăng kiểm được dán trên kính xe để tiện cho chủ xe theo dõi và phục vụ kiểm soát của lực lượng chức năng đối với phương tiện.
Giấy, tem đăng kiểm được Cục Đăng kiểm quản lý, cấp phôi cho các trung tâm đăng kiểm. Các trường hợp dùng giấy, tem đăng kiểm mà nguồn gốc phôi không do Cục Đăng kiểm cấp đều không có giá trị.
Cơ quan này khuyến nghị chủ phương tiện, trường hợp giấy chứng nhận bị mất, rách hỏng không nên dùng giấy tờ đăng kiểm giả hoặc tẩy xóa để tránh bị xử phạt nặng theo quy định tại Nghị định 100.
Về mức phạt, luật sư Diệp Năng Bình cho biết tại khoản 5 Điều 16 Nghị định 100 quy định phạt 4-6 triệu đồng đối với các hành vi sử dụng giấy chứng nhận, tem đăng kiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa, điều khiển xe không có giấy hoặc tem đăng kiểm (trừ trường hợp xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 1 tháng trở lên.
Ngoài ra còn thêm hình thức phạt bổ sung là tịch thu giấy, tem đăng kiểm, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. So với năm 2019, Nghị định 100 còn bổ sung quy định tịch thu phương tiện nếu người vi phạm không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Không chỉ người điều khiển phương tiện, điểm mới của Nghị định 100 còn quy định phạt 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện đưa ôtô có giấy, tem đăng kiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa tham gia giao thông (khoản 8 Điều 30).
Cơ quan chức năng cũng sẽ tịch thu xe trong trường hợp người điều khiển không có giấy đăng ký xe hoặc có nhưng không chứng minh được nguồn gốc phương tiện.
Về xử lý hình sự, trao đổi với Zing, bà Nguyễn Thị Quỳnh Như - luật sư cấp cao của Công ty Luật TNHH Grünkorn & Partner - cho biết theo quy định tại Điều 341.1 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Tuy nhiên, nếu như hành vi phạm tội có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, thì mức xử phạt sẽ là cao hơn cả về mức phạt tiền lẫn thời gian phạt tù. Nếu người vi phạm thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên, mức phạt tù có thể lên tới 7 năm tù.